Tin hàng hải nội địa và Quốc tế
Cảng biển miền Trung trong phát triển kinh tế xã hội
Miền Trung Việt Nam bao gồm 19 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương (trong đó, các tỉnh ven biển kéo dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và Tây Nguyên) nằm ở vị trí mặt tiền của đất nước với 1.759km bờ biển, có nhiều vịnh nước sâu, có nhiều đường chiến lược nối với các cửa khẩu thông qua các nước tiểu vùng sông Mêkông và nối với thế giới bên ngoài. | |
Mặc dù nằm ở vị trí đắc địa của đất nước và là nơi cứu cánh của đất nước lúc lâm nguy, song trong quá khứ với chính sách bế quan tỏa cảng (tự cấm vận mình) của triều đình phong kiến và sự hà khắc bóc lột của chủ nghĩa thực dân đã biến miền Trung thành một vùng nghèo khổ và lạc hậu so với hai đầu của đất nước, được coi như một địa chỉ từ thiện trong u buồn.
Ngày nay, với công cuộc đổi mới và đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, trên con đường hội nhập, miền Trung đã được đặt đúng vị trí của nó, đó là mặt tiền của đất nước để hội nhập và bước ra thế giới bên ngoài bằng một hệ thống cảng biển làm nòng cốt cho công cuộc phát triển.
Một yếu tố khách quan và đúng quy luật phát triển
Nhìn về quá khứ khoảng 16 năm trước, nhiều nhà quản lý và các chuyên gia kinh tế cũng như các nhà khoa học đều rất khó đưa ra một câu trả lời là “Miền Trung đi lên bằng con đường nào?”. Cuộc tranh luận kéo dài và có lúc gay gắt rằng với lập luận: “Con gà có trước hay quả trứng có trước” để phát triển miền Trung. Ngày ấy tồn tại hai quan điểm khác biệt và trái ngược nhau: quan điểm thứ nhất cho rằng miền Trung là vùng đất nghèo khổ, nông nghiệp lạc hậu và không đáng kể, công nghiệp hầu như không có và do đó, hàng hóa không có thì làm sao có thể mở cảng để sử dụng mặt tiền và vị trí đắc địa của mình.
Thực chất của quan điểm này là phải có đô thị, công nghiệp hàng hóa phát triển thì mới cần đến cảng. Quan điểm thứ hai cho rằng do vị trí mặt tiền và đắc địa của miền Trung nên phải hình thành hệ thống cảng biển trước và từ đó thu hút đầu tư và phát triển kinh tế xã hội. Mười sáu năm qua kể từ khi dự án cảng biển nước sâu và khu công nghiệp Dung Quất ra đời (từ 1992) đã cho thấy sự thu hút đầu tư và phát triển kinh tế xã hội của miền Trung theo hướng phát triển hệ thống cảng biển trước một bước, kéo theo là sự hình thành các khu công nghiệp, các khu kinh tế và đô thị mới cùng với các dự án đầu tư cực lớn đến nhiều chục tỉ USD là một thực tiễn khách quan và đúng quy luật.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển kinh tế xã hội Sự ra đời của cảng biển nước sâu và khu công nghiệp Dung Quất đã đặt nền móng cho sự hình thành vùng trọng điểm kinh tế miền Trung kéo dài từ Liên Chiểu (Đà Nẵng) đến Dung Quất (Quảng Ngãi), dẫn đến hình thành khu công nghiệp tổng hợp kéo dài từ Đà Nẵng đến Dung Quất theo hướng bố trí các ngành sản xuất, xuất nhập khẩu có khả năng cạnh tranh, đồng thời hình thành trục hành lang Đông Tây thông qua đường 24 và 14. Rõ ràng trong giai đoạn đầu, Dung Quất sẽ phát triển theo hướng đại công nghiệp và sau đó vai trò công nghiệp nhẹ và thương mại của nó tăng lên.
Sự ra đời cảng biển nước sâu và khu công nghiệp thương mại dịch vụ Chân Mây dẫn đến mở rộng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung ra đến Thừa Thiên - Huế, tạo điều kiện cho sự hội nhập giữa Huế - Đà Nẵng, dẫn đến sự ra đời thành phố sinh đôi. Đây là khu trung tâm đô thị văn hóa lớn nhất miền Trung, kéo theo sự hình thành các trung tâm công nghệ, kỹ thuật cao, trung tâm thương mại, tài chính ngân hàng và nguồn nhân lực cao cấp. Khi này, đường 9 sẽ tạo nên hành lang kinh tế Đông - Tây quan trọng nối vùng trọng điểm kinh tế miền Trung với các nước tiểu vùng sông Mêkông.
Sự ra đời cảng biển nước sâu và khu công nghiệp dịch vụ Nhơn Hội đã dẫn đến sự mở rộng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung về phía Nam đến Bình Định (đến đường 19). Rõ ràng trục kinh tế phát triển đô thị - công nghiệp - thương mại - du lịch - dịch vụ dọc duyên hải miền Trung kéo dài từ Chân Mây - Đà Nẵng - Chu Lai - Dung Quất - Nhơn Hội được hình thành. Nó đóng vai trò cửa ngõ lớn qua các trục hành lang Đông Tây, nối liền miền Trung Việt Nam với các nước tiểu vùng sông Mêkông, nối Việt Nam với các nước châu Á - Thái Bình Dương và thế giới bên ngoài.
Sự ra đời hệ thống các cảng biển nước sâu ở miền Trung đã dẫn đến hình thành các khu kinh tế và đô thị dọc miền duyên hải như: khu kinh tế Nghi Sơn, Vũng Áng, Hòn La, Chân Mây, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Vân Phong… Rõ ràng hệ thống cảng biển miền Trung đã đóng vai trò tiên phong và nòng cốt để thành vùng trọng điểm kinh tế miền Trung và hàng loạt các khu kinh tế đô thị dọc duyên hải ra đời thu hút sự đầu tư chưa từng có đối với khu vực này.
Từ phát triển công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ và thương mại - dịch vụ - du lịch Nhìn lại toàn cục trên các tỉnh thành dọc duyên hải miền Trung, hệ thống cảng biển nước sâu đã thu hút các dự án đầu tư về công nghiệp nặng bao gồm công nghiệp năng lượng, công nghiệp luyện cán thép, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp chế tạo máy cái, công nghiệp đóng sửa chữa tàu thủy. Đây là các ngành công nghiệp cực kỳ quan trọng cho xương sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Số vốn thu hút đầu tư vào lĩnh vực này thông qua hệ thống cảng biển nước sâu ở miền Trung hiện có thể lên đến nhiều chục tỉ USD, đang diễn ra một cách rầm rộ và nóng bỏng trên khắp các tỉnh duyên hải miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận.
Hiện tại ở các khu kinh tế dọc duyên hải miền Trung cũng như hệ thống cảng biển nước sâu và các dự án đầu tư cho đại công nghiệp hầu hết đã nhanh chóng được lấp kín. Rõ ràng một quy luật đang diễn ra tại các khu kinh tế miền Trung: có cảng biển nước sâu, thì công nghiệp nặng phát triển rất nhanh và luôn đi trước một bước, sau đó mới kéo theo sự phát triển về công nghiệp nhẹ - thương mại và dịch vụ - du lịch.
Do nằm ở vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, miền Trung Việt Nam đã trở thành mặt tiền của đất nước, nối liền với các nước tiểu vùng sông Mêkông, châu Á - Thái Bình Dương và thế giới bên ngoài bằng hệ thống cảng biển và đã biến miền Trung thành một vùng đắc địa của đất nước trong thời kỳ đổi mới với đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hệ thống cảng biển miền Trung đóng vai trò nòng cốt trong việc hình thành vùng trọng điểm kinh tế miền Trung cũng như sự hình thành các khu kinh tế của khu vực này. Nó đã tạo nên một sự thu hút đầu tư ngày càng hết sức to lớn đặc biệt là các dự án đầu tư công nghiệp nặng làm chỗ dựa vững chắc cho công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Các điều trên cho thấy sự phát triển hệ thống cảng biển miền Trung dẫn đến hình thành các khu kinh tế đô thị dọc miền duyên hải là một hiện thực khách quan và phù hợp với quy luật phát triển của khu vực này.
Theo TT
n/a |
Số lượt xem : 2505